[zíc zắc]: Huế ơi!

Nhắc tới Huế, người ta nghĩ ngay đến cố đô với những lăng tẩm, kinh thành, chùa chiền. Phần lớn mọi người đến đây cũng là để thăm quan những tàn tích rõ nét nhất của một thời phòng kiến này. Tôi cũng thế thôi, Huế là thành phố đầu tiên tôi thực sự nghiêm túc tìm hiểu và lên kế hoạch thăm thú. Nhưng hành trình của mỗi chúng ta, thoạt nhìn qua thì có vẻ nhiều điểm tương đồng, nhưng thực tế lại chẳng có cái nào giống nhau cả. Ừ thì có ai giống nhau đâu… Vậy tôi xin phép chia sẻ chuyện thăm Huế của tôi, làm hai phần.

Chuyện cái kính (tiếp)

Rời khỏi đường Hồ Chí Minh Tây, bỏ qua thị trấn Khe Sanh và cửa khẩu Lao Bảo, tôi hướng thẳng quốc lộ 15 rồi chuyển sang đường 7 để tới Thừa Thiên Huế. Không hẳn là tôi bị hấp dẫn với cái ý tưởng phải đi Huế ngay lập tức, mà là do tôi cần một cặp mắt kính mới. Trời cứ chực chực mưa một trận đã đời – gió thổi vù vù, một vài hạt nước đã đập vào kính chắn gió, nhưng cuối cùng không có gì xảy ra cả. Đường vắng và mát giúp tôi dễ dàng đến Thừa Thiên mà không gặp phải sự cố gì.

Mùi dầu tràm mát nồng như có mang trong mình một sức nặng làm lấp lánh những tán cây. Khóm tre hai bên đường kẽo kẹt trong gió. Mùi hương ấy dẫn tôi đi sâu hơn vào làng gốm Phước Tích. Vào một trưa hè oi ả như thế này, con đường được lát gốm ánh lên trong nắng, giấu những mảng sậm màu, những mảng xám dưới bóng cây, thẳng tắp vào bên trong các đền đài và mộ phần nằm rải rác bên trong. Trong làng tịnh không một bóng người, khiến tôi không biết mình đã tới nơi chưa. Hỏi ở quán nước nơi có một cây đa to thì tôi được chỉ cho đi sâu hơn vào trong. Nhưng vẫn không có gì chứng tỏ sự hiện diện của con người ở đây. Có vẻ như ngôi làng đã kết thúc chức năng làm gốm của nó từ 100 năm trước rồi. Tôi thấy khá thất vọng nên đã trở ra ngoài. Lịch sử của nó vẫn đang được viết tiếp, hiển nhiên là vậy, nhưng ai đó có thể hứng thú với việc thăm thú một cái lò hoang chứ không phải tôi.

Tôi men tiếp theo quốc lộ 1, qua cầu Dã Viên để vào thành phố. Cầu đường sắt Bạch Hổ chạy song song cùng với tôi. Sông Hương hiện ra, lấp lánh trong nắng. Hai bờ sông trồng rất nhiều hoa, với những bãi đậu thuyền du lịch. Hàng đàn vịt, đàn thiên nga bằng thép ngủ gục đầu dưới bóng cây, chờ đến buổi tối để được đi chơi sông. Tôi lòng vòng một lúc mới tìm thấy homestay nằm trong một con hẻm nhỏ cách phố đêm chừng 100m. Cả phòng dorm có tám giường, với một cánh cửa nhỏ dẫn ra ban công hừng hực nắng. Bên cạnh là nhà tắm quây bằng một bức tường và ba bức vách nhôm. Bạn phục vụ nhắc tôi tắt điều hòa khi đi ra ngoài, rồi bỏ tôi lại một mình giữa tám chiếc giường trống không. Tôi nhằm nghỉ một chút cho tới giờ hẹn với chị Hạnh, chúng tôi hẹn nhau ở cổng chợ Đông Ba.

Chợ Đông Ba là một dãy nhà gạch rộng với bốn cửa ở bốn hướng, bên trong là các ki ốt xếp san sát nhau. Chợ được chia ra khu bán đồ ăn, rồi khu hàng tiêu dùng, khu vải vóc, dày dép. Mỗi đô thị lớn đều có một khu chợ trung tâm như thế này, như chợ Bến Thành ở Sài Gòn, chợ Đồng Xuân ở Hà Nội, hay chợ Ga ở Hải Phòng. Nói chung, ta có thể mua mọi thứ cần mua với bất cứ giá nào ta nghĩ ra trong đầu. Chị Hạnh đợi tôi ở cổng chính, đưa tôi đi ăn bún bò và dạo một vòng quanh chợ.

“Em đi cầu nào qua đây?”

“Em đi cầu Dã Viên, cầu có mấy cái vọng lâu đẹp đẹp ấy chị.”

“Ồ cầu đó mới xây, mà còn có tên cầu Giã Biệt, vì người ta nhảy cầu tự tử ở đó nhiều lắm.”

Rất ấn tượng. Phải sau khi đã mua được một đôi dép mới và một cái mũ mới (chị Hạnh cực kì nhiệt tình và cũng cực kì tài năng, như mọi người phụ nữ khác, trong việc mặc cả), chúng tôi mới lấy xe đi mua kính. Kiểm tra thị lực, chọn gọng, chọn mắt kính, nói chuyện phiếm, sau khoảng 30 phút thị lực của tôi trở lại mức 10/10. Cái kính đó theo tôi đến tận bây giờ. Cũng không phải điều gì quá to tát, thường thì người ta không thay kính nhanh như thế (hay tôi nghĩ thế?), nhưng tôi cảm thấy khá đặc biệt khi mua kính ở một nơi không phải nhà mình.

Giờ chị Hạnh lại kêu tôi về homestay cất xe để đi chung xe chị cho tiện. Chị ấy tốt và nhiệt tình quá, còn tôi thì ngại từ chối. Chúng tôi xuôi về phía ga Huế, rẽ vào một con đường nhỏ có cảnh quan ngoại ô và leo lên những đoạn dốc thoai thoải. Chị Hạnh nói sẽ đi đồi Vọng Cảnh trước rồi tới làng làm hương. Những ngôi nhà cấp bốn với vườn cây nhỏ xếp xen kẽ nhau. Trời bỗng nhiên dịu đi hẳn. Chúng tôi để xe dưới chân đồi rồi đi bộ lên trên. Đồi Vọng Cảnh là một đồi thông, với lá khô và quả rụng phủ kín mặt đất thành một thảm dày êm ái. Ở lưng chừng đồi, trên một trảng đất thoải có một lô cốt nhô cao lên. Lô cốt ở Huế, do Cộng hòa Việt Nam xây dựng, được đặt rải rác khắp thành phố. Chỉ cần loanh quanh qua các ngã tư, hay ngay chân tường thành Đại Nội cũng có thể bắt gặp chúng. Qua dòng chảy của thời gian, những kiến trúc bê tông cốt thép này cũng đã rêu phong ít nhiều, và đều trở thành những “người cũ” cùng với các di tích phong kiến khác. Những dấu vết này tuy nhỏ bé, nhưng chưa bao giờ thoát khỏi tầm mắt tôi suốt cả quãng đường từ Hà Nội vào. Chúng có nhiều lắm, cái thì vô tư lự như những lô cốt kia, cái thì có hẳn bảng tên hẳn hoi để nhắc cho tôi xem là gì. Nhưng xin đừng cười: đây không phải kiểu “bới bèo ra bọ”, mà thật sự là khắp mọi nơi trên đất nước này đã xảy ra vô vàn trận chiến, tỉ lệ thuận với số di tích nó để lại. Hay tóm gọn lại, lịch sử Việt Nam được viết nên bởi vô vàn trận chiến.

Đỉnh đồi nhìn chếch xuống một khúc vòng của sông Hương. Đứng từ đó tôi thấy lòng sông như rộng ra thêm nhiều. Hai bên bờ sông là những rừng cây ngả sát là là mặt nước. Phía bên phải là thành phố, còn phóng tầm mắt về bên trái sẽ thấy những dãy núi trùng trùng điệp điệp. Những khung cảnh đẹp đến thế này, tôi chẳng làm sao mà miểu tả nổi. Một chiếc thuyền máy chạy ngang lòng sông. Một người ngồi ở đuôi thuyền điều khiển động cơ, một người ngồi ở mũi thuyền. Nhìn nó mới nhỏ nhoi làm sao… Chỉ độc một mình rẽ ngang con sông rộng bao la ấy. Cảnh ấy đã không đẹp và buồn đến thế nếu không có sự hiện diện của chiếc thuyền. Không gian bao la khuấy tan tiếng thuyền máy ra xa, lên tận chỗ tôi, át cả tiếng gió, tiếng nói chuyện. Tựa như âm vang ấy vọng lên từ nơi nào đó xa lắm, từ trong lòng… Chiếc thuyền trôi vào vòng tay của rặng cây, bị bóng tối của nó nuốt chửng. Tiếng máy nổ vẫn vang lên đều đặn. Xịch xịch… xịch xịch…

Tôi giơ máy lên thử chụp một vài tấm, nhưng vẫn chưa thật sự hài lòng. Có gì trong cảnh sắc tuyệt đẹp này mà chiếc máy ảnh lại không thể thâu tóm được? Làm sao để cả nó, và đôi mắt đều cùng có thể phản ánh những cảm xúc của tôi? Một niềm thôi thúc nhỏ nhoi được thắp lên, nói với tôi rằng hãy thử chụp đen trắng. Và đúng thật. Trong ảnh không có màu sắc, mà sao Huế hiện lên thật rực rỡ muôn vàn sắc độ! Một khung cảnh từ thiên cổ vạn kiếp, qua bàn tay của thiên nhiên, tự nó trở thành một tuyệt tác thủy mặc. Phải là như thế, Huế mới hiện lên với tất cả tâm tư tình cảm của nó. Hay, của tôi, Huế qua những tấm ảnh này là của tôi, và chỉ mình tôi thôi.

Sau này, mỗi khi nhớ về khung cảnh hôm đó, thứ đầu tiên hiện lên luôn tiếng thuyền máy vang động cả không gian ấy. Không phải là tiếng gió, tiếng hát, tiếng nhã nhạc cung đình, mà chính cái tiếng xình xịch đã ghim chặt Huế vào lòng tôi.

Chúng tôi quay trở lại dãy nhà cấp 4 nhỏ ven đường mới đi qua. Hóa ra đó chính là làng hương Thủy Xuân. Đến giờ cũng chỉ còn lác đác vài nhà còn sản xuất và kinh doanh mặt hàng này. Khắp nơi xực lên mùi trầm trộn với quế, hồi. Đón chúng tôi là một mệ (bà) già đã móm mém. Tuy đã răng đã rụng nhiều, nhưng có vẻ mệ vẫn nói năng rất lưu loát, ấy là tôi dựa vào cách chị Hạnh gật gù và trả lời mệ trôi chảy. Mệ hình như đang phàn nàn gì đó về một toán khách mới vào thăm quan sáng nay, về tay dẫn đoàn cứ gạ mệ ăn chia hoa hồng, về những bó hương vương vãi họ bỏ lại cho mệ dọn bở hơi tai. Từng ấy công việc, mà chỉ có mình mệ, không mệt mới là lạ. Trông hình dáng mệ còn khiến một thanh niên trẻ khỏe như tôi cũng thấy oải theo. Cái lưng mệ còng xuống, nhô lên những xương cụt, xương sống. Chân tay mệ cũng đã teo tóp hết cả, còn còn chút ít da thịt neo đậu lại. Một chuyện quái lạ mà tôi nghiệm ra được là: càng già thì người ta càng lùn xuống, thịt và cơ bắp cũng vơi dần đi. Nhưng chỉ có làn da là không thay đổi một chút nào, nó cần mẫn làm nhiệm vụ của một bộ trang phục Thứ Nhất. Vì vậy, trước những thay đổi không thể đảo ngược của bên trong, làn da chỉ còn một cách là ép vào nhau, xô vào nhau, và rồi chảy xuống theo quy luật của trọng lượng. Nhưng: những ngón tay sần sùi vẫn hàng ngày bung xòe hàng trăm bó hương tuyệt đẹp; đôi mắt trũng sâu vẫn sáng và sống động hơn bao giờ hết; còn đôi chân bé nhỏ của mệ vẫn hàng tháng vào bệnh viện, đem theo những bánh trái và tiền ủng hộ các gia đình cơ nhỡ có con mắc bệnh hiểm nghèo. Tất cả chỉ dựa vào quầy làm hương nhỏ nhỏ với một mảnh vườn be bé phía sau. Ấy thế mà quân láo lếu nào dám nói mệ ăn hoa hồng nhiều mà giàu có dư dả? Ôi thứ quân láo lếu, thứ quân không mặt mũi mà chỉ nghe thấy tiếng ấy, chúng quần thảo mệ nhiều năm rồi, nhưng đừng hòng quật ngã được mệ. Đừng có hòng.

Một người phụ nữ đẹp đẽ như thế, nên tôi sẽ không nói gì về những cây hương mệ làm hàng ngày nữa. Người sao chiêm bao làm vậy.

Hương -hoa. Hoa-hương.

Chị Hạnh làm trong một tổ chức dẫn tour miễn phí cho người nước ngoài, và thường dẫn khách tới ủng hộ mệ. Gian ngoài bày hương còn gian trong bán các thứ đồ lưu niệm. Hiên bên cạnh lại có một máy đạp hương để du khách trải nghiệm. Máy chạy bằng động cơ sức cơm, nhấn chân một cái là hỗn hợp nước trộn với các loại bột thảo mộc thơm lừng sẽ chui ra ngoài, xiên vào những que tre vót nhọn đủ màu sắc.

Giả như không đi tiếp vào miền trong, tôi sẽ mua thật nhiều những bó hương để ủng hộ mệ có thêm khoản tiền để làm từ thiện. Nhưng tính tôi nó hâm vầy, không dùng vào việc gì nên cũng chẳng mua làm gì cả. Biết thân biết phận nên tôi cứ ngồi thuỗn ra đó, nghe mệ và chị Hạnh líu lo nói. Chẳng gì bằng loanh quanh cả ngày trong căn nhà vắng mà rồi bắt được người nói chuyện cùng.

Theo thứ tự từ gần đến xa: chị Hạnh, mệ, xe chị Hạnh và mũ bảo hiểm của tôi

Nói mê nói mải, tôi và chị Hạnh vội vàng đi qua bên kia sông để tới chùa Thiên Mụ. Cứ đảo qua đảo lại hai bên bờ sông khiến tôi dần có cảm giác thân thuộc hơn với nơi này. Lác đác vài nơi đã lên đèn. Mọi người lại hối hả trở về nhà sau một ngày làm việc, tạt qua chợ, đón con, nấu nướng, hò hét những đứa trẻ mồ hôi mồ kê nhễ nhại từ sân bóng trở về,… tôi mường tượng ra thế.

Tháp Báo Thiên, cuối ngày.

Sân chùa cũng đã thưa thớt bóng người. Chỉ có mình tôi và chị Hạnh trong gian thờ. Trong cái nhá nhem cuối ngày, những bức tường và mái ngói đen hẳn đi, nổi quệch lên trên nền trời xanh thẫm. Một vị sư bước dọc dãy nhà phụ, hai tay đan vào nhau trong vạt áo. Dáng đi mau mà nhẹ nhàng.

Trăng tròn và to bất thường trên một nền trời xanh bất thường. Không có một chút mây nào. Chúng tôi vừa men theo dãy nhà hình chữ U vừa nói chuyện. Xung quanh đã chẳng còn ai. Chị Hạnh đưa tay ra lướt theo hàng cây cảnh cao ngang mặt, rồi ngắt một bông hóa trắng to cả hai không biết tên để cài lên tóc.

Đứng từ trên chùa có thể nhìn thẳng xuống con đường phía dưới. Ánh đèn đường vàng thả xuống mặt đường và cả con sông cũng bị nhuốm cái màu xanh thẫm của trời. Mặt đường tối đen lại, tựa như từ đó, bóng tối sẽ tràn ra ngoài đem thành phố trở về đêm.

“Ở chỗ em, rau sống được thái thành sợi nhỏ và rối chứ không ăn cả miếng thế này.”

“Chị cũng thích như thế, mà mệ ngoại chị lại không bao giờ ăn kiểu ấy.”

“Vì sao?”

“Mệ nói cắt hết ra như vậy giống như rau cho lợn á.”

Rất thú vị. Và việc một đằng nhà chị Hạnh theo Đạo lại chẳng liên quan gì đến chuyện ăn rau sống thái hay nguyên miếng.

Chúng tôi nói nhiều chuyện linh tinh như thế khi đi bộ dọc sông Hương. Con đường được lắt đá xám mới tinh. Gầm cầu Trường Tiền cũng được mắc những dải đèn đủ màu sắc, hòa vào cùng ánh sáng từ những quầy bán các đồ lưu niệm và hàng ăn vặt xếp thành dãy dài bên đường. Đầu phố, gần chợ Đông Ba là khu phố đêm, kém sáng hơn và chen chúc hơn một chút, xập xình những thứ nhạc giải trí. Xuôi dần về phía dưới, già có, trẻ có, Tây một ít, thư thả đi dọc bờ hồ, ăn uống, nắm tay, vui đùa. Tôi cứ thế đi giữa một không khí náo nhiệt hết sức như vậy. Nói cười. Một trường ca dài miên man, miên man… Có thể biết ngay đâu là một người phụ nữ Huế bằng giọng nói, cách nói. Những “chừ”, “mô”, những “kiệt”, “mệ”, những “dạ”, “thưa”… Có gì đó thật dễ chịu khi nghe thanh âm ấy. Người ta vẫn nói con gái yêu bằng tai, nhưng ai mà biết được… Phía bên kia sông Hương, Đại Nội chăng đèn vàng hắt lên tường thành, im lìm. Cái xưa cũ đang lặng lẽ chứng kiến cái mới, cái đổi thay của thành phố. Một vài thuyền chở khách chạy chầm chậm trên sông, nhưng không có tiếng hát, tiếng nhạc. Có vẻ như mọi người đã không còn thích loại nhạc ấy nữa rồi.

Một tứ tấu trên phố đi bộ.

Một buổi tối thật vui, và thật nóng. Chị Hạnh đã dành cho tôi cả một ngày tuyệt vời như thế, lại còn chỉ cho tôi ăn gì, chơi gì vào ngày tiếp theo. Thật là một người-độc-thân-vui-vẻ, vừa tắm tôi vừa nghĩ như vậy.

Chuyện những tàn tích

Đứng từ bên này nhìn sang, toàn bộ Kinh Thành nằm lọt thỏm trong một bức tường thành cao phải đến 5 mét. Thứ duy nhất vươn lên ra bên ngoài bức tường ấy là cột sắt có lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới. Thời gian trôi, người dân chuyển vào trong kinh thành sống cũng nhiều, nhưng luôn có một luật bất thành văn là không ai được phép xây nhà cao hơn tường thành. Người ta vẫn ra, vào khu vực này qua những cây cầu ngắn bắc ngang hào nước công sự. Một vài cổng thành đã bị đóng vì lí do an ninh.

Vì lẽ đó mà dường như những ngôi nhà bên trong Kinh Thành luôn có một vẻ gì đó cũ kĩ và cổ kính. Chủ yếu là những căn nhà cấp 4 nhỏ xây san sát nhau, rất ít nhà hai tầng và không có nhà nào ba tầng cả. Một số nhà tân tiến hơn thì xây theo kiểu nhà hộp, lát đá nhám xám kiểu ban bệ. Một số nhà lợp mái ngói thì có cả sân, vườn nho nhỏ, với nắng rọi vào hắt lên tường sơn xanh rất mát. Sinh hoạt dường như cũng dân dã hơn: Cà phê bệt ngay đầu hồi, các mệ, o lọc cọc đạp chiếc xe đạp Thống Nhất cũ mèm, sau yên là một sạp hoa quả, rau tươi. Có một mệ, tôi bắt gặp khi ngồi ăn bánh, quang gánh trĩu vai, đi từ quán nước này sang quán nước khác, mời các khách mua… hành khô.

Những cô gái mặc áo dài tím

Nằm ở trung tâm Kinh thành là Tử Cấm Thành, hay Đại Nội, nơi đặt cung điện, sân chầu, cũng là nơi sinh sống của các đời vua. Cột cờ tôi mới thấy được dựng lên một pháo đài đen ngòm với các họng đại bác để phòng thủ. Từ đó đi thẳng vào cổng chính Ngọ Môn của Cấm Thành. Đương nhiên là khách thăm quan chỉ được đi hai cửa con bên cạnh, vì theo truyền thống thì cửa chính giữa chỉ để dành cho vua mà thôi.

Tôi phân vân một hồi rồi mua vé gộp ba nơi, vì nhắm cũng chỉ đi được từng ấy: Đại Nội, lăng Khải Định, lăng Minh Mạng. Mua vé kiểu này thì sẽ tiết kiệm hơn một chút.

Đại Nội thực sự rất rộng. Nếu không tính những công trình tối quan trọng như Điện Thái hòa (nơi tổ chức các buổi chầu), Điện Càn Thành (nơi vua ở), hay Cung Diên Thọ (nơi thái hậu, hoàng thái hậu ở) thì Đại Nội còn có các trái nhà được sử dụng với mục đích trưng bày, làm bảo tàng, làm nơi biểu diễn nghệ thuật; ngoài ra còn có những kiến trúc nhỏ nằm rải rác xen lẫn với vườn hoa, hồ nước, mỗi nơi lại là một tổ hợp hài hòa nho nhỏ. Tôi nhẩm tính, nếu muốn tìm hiểu kĩ về Đại Nội chắc cũng phải mất một ngày, và cứ rảo bước thành một cung tròn xung quanh đó mà không có một ý niệm cụ thể về việc mình đang thăm quan cái gì. Thi thoảng, một hai chiếc xe điện chở khách chạy ngang qua tôi. Cũng không còn bất ngờ lắm. Tôi chợt nhớ ra là hai công trình được coi là biểu tượng của Hà Nội là Cột cờ ở chân Hoàng Thành và Khuê Văn Các ở Văn Miếu Quốc Tử Giám đều được xây dựng dưới thời nhà Nguyễn.

Một số công trình đang được quây lại để trùng tu. Vật liệu chắc phải thay đổi, xi măng thay cho đất nung chẳng hạn. Nếu ngày xưa phải cần đến những nghệ nhân tài hoa nhất để xây cung điện, tôi thắc mắc không biết những người thợ ở đây có khả năng tái hiện trạng thái toàn vẹn của kiến trúc không. Những công trình mà tôi nhìn thấy trước đó liệu đã trải qua trùng tu bao nhiêu lần rồi? Làm sao để tôi chỉ ra được điểm khác biệt giữa sự sao chép và sự nguyên bản? Ý tôi là, dân trí của cả xã hội vốn dĩ không cao đến mức này. Trước đây những thường dân như tôi có nằm mơ cũng không nghĩ rằng có ngày mình được bén mảng vào Cấm Thành, nói gì đến việc ngắm nhìn những cung điện này chứ.

Tôi lại nghĩ, chúng ta về cơ bản vẫn giống y hệt tổ tiên nhiều trăm năm trước. Dành phần lớn thời gian để làm kinh tế, cố gắng kiếm thật nhiều tiền có thể. Nếu có điểm khác thì có lẽ là thời nay người ta chăm đọc sách hơn: sách làm giàu, sách kĩ năng, Đắc Nhân Tâm gì đó… Một số ít đọc tiểu thuyết thì đã quay lưng với nền văn học nước nhà từ lâu. Nếu còn thời gian rảnh, họ hoặc tiếp tục kiếm tiền bằng công việc thứ hai, thứ ba, hoặc đi ăn, đi uống nước, đi xem phim. Giới trí thức tinh hoa không còn nhiều chỗ đứng trong cuộc đời, bị bỏ đói hoặc coi thường, dẫn đến việc các giá trị văn hóa giờ trôi nổi y như củ cà rốt trong vũ trụ bao la mà không có một điểm đến nào cụ thể. Mạnh mồm như vậy vì tôi cũng là một “thường dân vô cảm”. Vô vảm trước nghệ thuật, vô cảm trước cái đẹp cũng là vô cảm. Giờ đây người ta dễ rung động trước những thứ giản dị mà ấm áp hơn là những mái ngói lạnh tanh này: một cô bé ôm ngồi xe máy ôm chặt lấy bố để bố có thể yên tâm lái xe bằng cả hai tay. Tôi đang không chê những điều giản dị. Giản dị mà đẹp đâu có dễ tìm. Giờ người ta đến chùa để cúng bái, để cầu khấn, và ngước lên nhìn mái nhà chùa khen “đẹp” một cái rồi về. Họ có đoái hoài gì đâu đến ngoại hình, họ chỉ quan tâm đến chức năng. Nhưng họ lại đòi hỏi ngoại hình phải đồ sộ và thật đẹp, dù rằng nếu hỏi vì sao thì tất cả đều lắc đầu không biết. Chắc là để chụp ảnh.

Phải khi đi quanh Đại Nội với tất cả sự dốt nát của mình tôi mới nhận ra điều này. Loanh quanh vô định, không định hướng, nhìn những sân vườn hồ nước và mái đình mà không suy nghĩ bất cứ điều gì. Thứ duy nhất cuốn hút tôi có lẽ là một bãi trống đầy những vụn gạch và chân tường đổ nát bị bằm nát bởi chiến tranh. Nắng đổ xuống phế tích ấy thản nhiên đến nỗi cỏ không thể nào mọc nổi. Nó nói lên nhiều điều hơn cả những lăng tẩm kia!

Nếu có nhiều thời gian hơn tôi nghĩ mình vẫn sẽ chỉ dành nửa ngày ở Đại Nội, hoặc sẽ bỏ thật nhiều tiền để thuê một hướng dẫn viên thật xịn để bổ túc văn hóa cố đô cấp tốc.

Bức tranh Phật ở một hành lang khuất.

Xa hơn khỏi trung tâm thành phố, khu di tích lăng Minh Mạng là cả một vùng rộng lớn nhìn ra sông và tựa vào núi. Trên một khu đất rộng gần 500ha, quần thể được xây theo lối đối xứng hài hòa với một trục xắt dọc chính giữa làm trung tâm, hai bên là hồ nước và các công trình phụ. Ý đồ của lối xây dựng độc đạo này là người thăm quan sẽ phải đi qua hết tất cả các cổng, các điện thờ rồi mới tới được Hiếu Lăng, nơi an nghỉ của vua. Xung quanh lăng còn có một vòng tường thành kiên cố, gọi là Bửu Thành. Quần thể lăng có ba cửa, một cửa chính Đại Hồng Môn, hai cửa phụ Tả Hồng Môn và Hữu Hồng Môn. Khi vua Minh Mạng mất, long thể sẽ được đưa vào qua lối Đại Hồng Môn, đoàn tùy tùng đi ra bằng hai lối bên cạnh, rồi bị thủ tiêu hết để không làm lộ nơi đặt mộ. Đại Hồng Môn cũng được phong bế từ đó, hàng năm chỉ có một lần vào ngày giỗ mới được phép đi vào trong, cũng là qua hai lối bên.

Không ai biết phía bên kia bức tường thành kia có gì… Chỉ thế thôi cũng đủ ấn tượng rồi. Tôi ngước lên nhìn bức tường dựa vào rừng thông cao vút bao phía sau. Ánh nắng mặt trời không thể với tới đây được, rêu ẩm và lá rụng phủ kín khắp các bậc cầu thang và mặt đất. Không gian đậm một mùi hương hài hòa của thiên nhiên, u tịch và bí ẩn. Gió khẽ luồn qua rặng cây, kéo chúng đung đưa xào xạc. Tiếng bước chân của một vài du khách tò mò vòng xung quanh Bửu Thành. Tựa như tiếng gió, mà cũng tựa như có tiếng nô đùa của ai đó. Có thể lắm… đằng sau bức tường kia, một cậu bé đang tung tăng dạo chơi với những hình nhân bằng lá và những tùy tùng bằng đá. Có thể lắm chứ, chẳng ai biết được.

Lối vào Bửu Thành, đã được phong bế kín.

Khác với sự bề thế và kín đáo của lăng Minh Mạng, lăng Khải Định (Ứng Lăng) có quy mô nhỏ nhất và có kiến trúc phá cách nhất trong số các đời vua. Nhỏ nhưng lại đặc biệt tốn kém bởi vua Khải Định sử dụng rất nhiều nguyên vật liệu nhập từ các nước Pháp, Trung Hoa, Nhật Bản,… Đồng thời kiến trúc cũng có sự kết hợp độc đáo: tháp trụ mang âm hưởng Phật giáo Ấn Độ; hàng rào hình chữ thập tượng trưng cho công giáo; mái vòm theo lối biến thể Roman; cấu trúc lăng mộ lộ thiên đặt trong Cung Thiên Định xây theo kiểu baroque của Pháp; và các bức khảm sành sứ, đặc biệt là tác phẩm “Cửu long ẩn vân” trên ba mặt trần nhà như một minh chứng cho đỉnh cao của nghệ thuật chạm khắc cung đình Huế. Rõ ràng vua Khải Định đã đi trước thế hệ Millennials hơn 100 năm về tư tưởng toàn cầu hóa.

Một góc Ứng Lăng Khải Định.

Nếu chiếu theo những gì cụ Vũ Trọng Phụng miêu tả trong Số đỏ, thì cái sự “lai căng” trong đám ma cụ cố Hồng ấy giờ đã được nâng lên thành một “sự giao thoa hài hòa giữa các nền văn hóa”. Người ta nhìn vào đó và nhận xét rằng cấu trúc của Ứng Lăng độc đáo và mới mẻ, hoặc ngược lại, nhưng chúng ta là ai mà nhận xét một công trình nghệ thuật như vậy chứ? Cá nhân tôi thì thấy Ứng Lăng vẫn có những nét riêng, và đương nhiên, phức tạp trong cấu trúc, phong thủy và ý đồ theo kiểu một du khách bình thường khó có thể thấu hiểu hết được.

Việc vua Khải Định tăng thuế lên vài phần để có ngân sách xây lăng bị lên án gay gắt. Tôi cũng chẳng biết nói gì. Vua Khải Định chắc cũng không biết nói gì. Người chết thì không biết nói, mà nếu có nói được, thì việc dân chúng phục vụ những thiên ý của bậc đế vương cũng là chuyện đương nhiên không phải bàn cãi. Người ta có thể phá ngục Bastille, nhưng chẳng ai dám kéo sập cung điện Versaille, dù nghiêm túc mà nói, vua Khải Định còn lâu lắm mới sánh được với Louis XIV khi huy động bao nhiêu sức người và của cải để xây dựng kì quan dát vàng này. Hàng năm vẫn có 10 triệu người tới đó trầm trồ, mặc kệ điều tiếng ra làm sao.

Nghệ thuật khảm sành sứ đạt tới mức tinh xảo.

Vậy là đã hoàn thành xong ba cuống vé. Tôi nghĩ hai lăng là đủ. Nếu có điều kiện tôi sẽ đi thăm thêm 1 lăng nữa thôi, và giành thời gian cho các di tích cũng như hoạt động văn hóa khác.

Tôi mày mò một lối tắt chạy dọc bờ sông Hương để tới điện Hòn Chén. Đúng ra du khách sẽ phải bắt thuyền/đò từ bến Than ở phía bên kia bờ sông, nhưng vì lười và thiếu kinh phí trầm trọng nên tôi đã tự mày mò trong một rừng lối cụt mà tới được đây. Điện nằm trên núi Ngọc Trản, nhìn xuống dưới là bến thuyền đắp nổi bằng bê tông. Một vài chiếc thuyền chở khách đang neo ở đó, trong khi một chiếc khác đang chực rời đi. Như một cái lệ đã quen, những người trên thuyền bắt đầu cất giọng hát những bài ca cung đình. Tiếng hát trong và vang khắp một khúc sông, cuốn theo hứng thú thăm quan của tôi rải đều khắp mặt nước. Có lẽ là do tôi không hiểu họ đang hát gì, và vì thế cảm thấy mình lạc lõng làm sao.

Rồi khi đã quay ra vào đường lớn, tôi bỗng muốn cạo mặt. Không phải lí do gì đặc biệt cả, tự nhiên tôi thấy mình cần phải làm thế. Quán tóc vắng nhưng tôi vẫn ngồi chờ chú thợ tỉ mẩn tỉa tóc cho một ông già. Tôi ngồi ngoài hiên, cố gắng nép mình tránh nắng. Phía bên đường người ta phơi hàng dàn những tấm liếp bánh tráng có màu vàng. Dưới nắng chúng nổ lép bép liên tục. Tò mò, tôi hỏi chú thợ cạo nhưng hình như mọi người đều có vẻ rụt rè khi một người lạ xuất hiện. Không biết… không biết… Câu trả lời là như vậy đấy. Tôi chưng hửng quay về chỗ ngồi, vừa nhìn những tấm liếp bánh đa vừa nhẩm đi nhẩm xem mình đã làm gì không đúng. Có thể họ chẳng làm gì sai, có thể họ không gì phải giấu giếm, nhưng sao lại phải có thái độ cảnh giác như vậy đối với người lạ nhỉ? Hay họ lo tôi là cảnh sát ngầm hay một nhà báo cải trang…? Tôi tự hỏi, điều gì định nghĩa nên bản chất của một người Việt Nam? Tôi bối rối. Trên đường đi, và cả trong hành trình sau này, tôi đã gặp lắm kiểu người. Sởi lởi có vô tư có, mà cảnh giác theo lối “thà đánh nhầm còn hơn bỏ sót” cũng có. Người này người kia, chẳng ai giống ai. Để chỉ mặt gọi tên, để mà nói thành lời, để viết thành câu chữ, tìm một mẫu số chung, sao mà khó quá. Tất cả đều là con người. Chỉ là con người mà thôi. Nếu tôi không thể định nghĩa rõ ràng được thì những dân tộc khác ra sao? Tôi biết gì về họ, ngoài những phân loại rất chung? Tự nhiên thấy mình thật thiển cận làm sao, thế giới của mình mới nhỏ bé làm sao.

Một người phụ nữ bắt đầu đem những tấm liếp vào nhà. Bánh tráng vẫn nổ lép bép trên đầu cô ấy. Thật là…

Rồi cũng đến lượt tôi. Chú thợ đưa lưỡi dao cạo trên mặt tôi một cách tỉ mẩn, chính xác và yên lặng. Tôi thì đương nhiên không nói gì để tránh những tai nạn không đáng có, nên cuối cùng được khuyến mãi thêm một màn tẩm quất ngắn và dễ chịu.

Bánh tráng vàng.

Về sau tôi cũng biết được chỗ đó là làng Lựu Bảo bên bờ sông Bạch Yến, một nhánh nhỏ của sông Hương, đã làm bánh tráng từ ba thế kỉ nay. Nhưng cũng như nhà Nguyễn là triều đại phong kiến cuối cùng, kí ức và cách phản ứng của con người nơi đây cũng soi chiếu cho một thời kì lịch sử gần nhất, chứ không phải là những tinh tế tuyệt sắc của một vùng kinh đô nữa rồi. Mà thôi bỏ đi, quan tâm làm gì, tôi không nghĩ mình có thể thay đổi được gì nữa.

Đến tối mới thực là cô đơn. Một nhóm du khách Pháp mới tới từ chiều đã đổ ra phố đi bộ, phố Tây, cái tôi chẳng bao giờ ham. Ngoài cái đó ra, vào tầm giờ ấy không còn việc nào khác ngoài đi ăn chè. Chị Hạnh thì bận đi dạy. Vậy là chỉ còn tôi trong phòng với một người đàn ông Trung Quốc. Cả hai đều ôm laptop, giả vờ bận rộn nhưng thực ra trong lòng thấy ôi cuộc sống nhàm chán biết bao. Tôi chẳng muốn tối cuối cùng ở đây kết thúc như vậy nên đã thu dọn đồ đạc sớm và đi ngủ luôn.

Nhưng tôi không thể ngủ được. Và tự nghĩ, có chuyện gì với mình thế nhỉ? Sao mình lại phát sinh ra toàn những suy nghĩ tiêu cực như thế này? Sự lãng-mạn-tuổi-trẻ của tôi đã bị triệt tiêu đi đâu rồi? Đáng ra tôi nên ca ngợi Huế và con người ở đây mới phải… Bao nhiêu là thứ đẹp đẽ thế kia. Tôi buồn chính cái thằng tôi này, và dành nhiều thời giờ suy nghĩ. Câu trả lời khả dĩ có thể là vì trong chuyến đi này, trong tôi đã có gì đó thay đổi, không thể gọi là trưởng thành, nhưng có thay đổi. Và rồi Huế, với tất cả sự trầm mặc buồn bã của nó, như một con chì nặng hàng tạ cứ kéo lòng tôi chìm xuống mãi… mãi… Để rồi tôi cứ nhìn mọi thứ với một vẻ nửa hứng thú nửa chán chường.

Rời khỏi thành phố…

Tôi có hẹn với một người bạn ở Đà Nẵng nhưng vẫn cứ cố nấn ná ở lại. Tôi thích Huế lắm. Thấy phá Tam Giang có vẻ không quá xa, tôi quyết định thử tìm đường đến đó, trong đầu nhảm tính chắc sẽ kịp giờ hẹn.

Cả một vùng nước rộng lớn ngút tầm mắt trải dài mãi tới xa. Mặt nước phẳng lặng như một tấm gương hoàn hảo không một gợn sóng hay vệt nước nào. Tôi nhìn thấy tới hai mặt trời, hai đàn chim dàn chữ V, và hàng sa số những rặng mây trắng tự lặp lại chính nhau. Bầu trời như mở ra làm đôi, cái bản thể đắm đuối nhìn cái tiềm thức hoàn hảo của mình. Vài con chòi gỗ được dựng cao hẳn lên, neo bên dưới mấy chiếc ghe, vết kim loại gỉ sét lặng như tờ. Bị chặn lại bởi đụn cát, Phá Tam Giang không có một chút gió nào. Nắng thản nhiên rơi xuống vùng nước rộng lớn này, nhưng không tan ra, không loang ra, mà đặc lại thành một khối tròn không thể nhìn thấy rõ được.

Những quang cảnh trống trải quá mức thế này dễ khiến con người ta cảm thấy hụt hẫng. Giống như loài cua cáy, người ta rút vào trong nơi trú ẩn của mình mỗi khi có người lạ xuất hiện. Rút đi, và lặng lẽ quan sát. Đó là những gì tôi nhận được từ một làng chài xây dựng kiên cố phía trên những đụn cát khi cố vượt quá đó để tới bãi biển. Dù được đặt trên dải đê chắn sóng bằng bê tông (người ta thậm chí còn đang xây một ngôi chùa trên này), nhưng tôi có cảm tưởng, khi đôi chân chìm trong cát, rằng chúng có thể sụp xuống bất cứ lúc nào.

Bờ biển khô rang và dài tắp. Bọt sóng trắng xóa. Nước biển xám xịt. Một chiếc thuyền đánh cá lẻ loi phơi mình dưới nắng. Hoàn toàn không có gì để thăm thú cả. Hoàn toàn không. Tôi quay trở lại xe máy và phóng như bay trên những cánh đồng nồng mùi dầu máy và mùi cá giữa một trời cát nóng rực vô định.

Bình luận về bài viết này